top of page
Search

CÓ MỘT HÀ GIANG GÂY THƯƠNG NHỚ…

Writer's picture: Duyên NguyễnDuyên Nguyễn
Cao nguyên vẫn lặng lẽ xinh đẹp, để rồi làm ta luôn xáo động vì vẻ đẹp yên bình đó – có một Hà Giang đẹp như tranh vẽ ẩn mình nơi cực Bắc xa xôi…

Nếu đã từng đến Hà Giang một lần, ắt hẳn sẽ có lần hai, lần ba bởi đến rồi sẽ “bị” miền đất gây thương nhớ này làm nhớ thương mất thôi! Những nét đẹp tự nhiên lúc giao mùa, hay cung đường đồi núi xanh tươi, từ đơn sơ đến hùng vĩ, từ hoang dại đến thơ mộng hữu tình, đến đây rồi mọi thứ đều khiến mình da diết trong lòng.


Mỗi lần nhắc đến Hà Giang là mỗi lần mình luôn suy nghĩ về những ngày tháng tuổi trẻ không hối tiếc. Đó là những cung đường mình đã đi qua, những điều mình bắt gặp, những ánh mắt trong veo, hay cái nhoẻn miệng cười duyên của lũ trẻ, những món ăn mà cứ phải vừa ăn vừa search google, những con đường đi bằng niềm tin rằng sẽ ra được thôi vì không có trên map… tất cả đều khắc sâu trong trí nhớ mình.

Viết cho hành trình tuổi trẻ của mình những trang nhật ký, về những trải nghiệm và tình cảm dành cho một Hà Giang “thương nhớ”!

 

Hành trình đi đến Hà Giang của mình không phải xuất phát từ Hà Nội, mà xuất phát từ Lào Cai (cách tp Hà Giang 200km). Chứng kiến cảnh trên cùng một con đường nhưng bên địa phận Lào Cai đường đang bằng phẳng dễ đi thì qua đến Hà Giang là trải dài gần 40km đường hư và khó đi hẳn. (Do mình đi đường tỉnh lộ nếu đi đường Quốc lộ có lẽ sẽ đẹp hơn nên các bạn có đi từ Lào Cai thì chú ý nhé).


Mình đến được thành phố Hà Giang là tờ mờ tối, Cột Mốc Số 0 nằm ngay trung tâm thành phố nên là ghé chụp hình check-in một cái thiệt nhanh và sau đó là lên lướt tìm phòng nghỉ ngơi. Tối thì đi loanh hoanh thành phố để ăn uống, xem ra thì thành phố HG cũng phát triển lắm, khách Tây rất nhiều nhưng đa phần đều ở tạm để chờ lên cao nguyên đá Đồng Văn thôi.

Cao Nguyên Đồng Văn ở đâu?

Cao Nguyên Đồng Văn (thuộc tỉnh Hà Giang) trải dài trên khu vực 4 huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn, có độ cao khoảng 1600m (so với mực nước biển). Nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 140km về phía Bắc theo hướng quốc lộ 4C, mặc dù được thiên nhiên ban tặng cho những danh lam thắng cảnh đẹp nhưng chính vì thế mà đất canh tác bị hạn chế bởi núi đá, do đó công việc canh tác nông nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn, Đồng Văn chính là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Hà Giang.

Di chuyển đến cao nguyên Đồng Văn

Từ thành phố Hà Giang sẽ mất khoảng 100km nữa để lên được Đồng Văn và đường cũng bắt đầu khó đi hơn bình thường vì cung đường này chủ yếu là những vách núi dựng đứng cheo leo và đèo dốc tương đối hiểm trở. Tuy nhiên với những người yêu thích khám phá trải nghiệm thì đèo núi hiểm trở cùng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ tại đây sẽ lại mang tới những trải nghiệm thật sự khó quên.


Tại trung tâm thành phố Hà Giang các bạn đi thẳng đường Nguyễn Trãi, đến hết đường, đi qua cầu bắc qua sông Lô, sau đó rẽ phải là đi vào quốc lộ 4C, con đường này là con đường dẫn thẳng lên đến Đồng Văn, chỉ việc đi thẳng theo con đường này là lên đến Đồng Văn. Đoạn đường này được men theo con sông Lô huyền thoại miền Đông Bắc từ lâu đã đi vào thơ ca. Sau đó sẽ được chinh phục con dốc Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh, huyền thoại của cao nguyên đá Đồng Văn, đây chính là trạm nghỉ chân nổi tiếng thứ nhì tại Hà Giang sau đèo Mã Pì Lèng. (Tại khoản này thì google map vẫn đúng, đi theo google map hoặc hỏi người dân dọc đường đi thêm cho chắc nhé).


Một lưu ý nho nhỏ là khi đi đến Yên Minh, có thể tiếp tục đi theo quốc lộ 4C để băng qua rừng thông Yên Minh như bình thường hoặc là có thể đi lên con đường phía bên phải để đi (đường này giúp rút ngắn được khoảng 15km đường đi nhưng sẽ vắng hơn và không hiển thị trên bản đồ.

Cao nguyên Đồng Văn có gì?

Những cung đường quen thuộc mà mọi người hay đi và mình cũng không ngoại lệ, không phải tự nhiên mà người ta lại đi như vậy vì các địa điểm sẽ được xếp trên cùng một tuyến đường.


Cung 1: Hà Giang - Quản Bạ - Rừng thông Yên Minh - Nhà của Pao - cột cờ Lũng Cú - Đồng Văn

Lên đường khi trời đang âm u chuyển mưa, tụi mình bắt đầu hành trình đến với cao nguyên đá. Những con đường dần dần quanh co hơn, bé hơn, dốc hơn, đường cũng trơn trợt hơn vì mưa nhưng những ngọn núi cũng từ đây mà hùng vĩ, hiên ngang hơn. Mình được ngồi sau cầm máy để quay…lạnh cóng cả tay, thì người cầm lái chắc còn kinh khủng hơn nữa! Cái cảm giác vừa lạnh vừa leo dốc, hai chân mình vừa gắng người để bám vào xe mà cảm giác cứ như sắp rớt dọc đường vậy.


Đi qua những con đèo uốn lượn, không có những em bé người Mông vẫy tay hai bên đường như các bạn hay thấy bởi lẽ trời mưa và cũng không có quá nhiều khách đi lên Đồng Văn vào thời gian này. Đến cổng trời Quản Bạ cũng chạy qua luôn vì cũng không mấy hấp dẫn tụi mình, nếu đến đây vào một ngày đẹp trời hãy thử ngồi trên cao uống cốc cà phê nóng, nhìn mây bay ngang sườn núi…


Rừng thông Yên Minh: Tụi mình dừng lại khoảng 15 phút ở đây bởi cũng trưa cầm lái cũng khá mệt rồi, một phần vì muốn đứng trên rừng thông chụp xuống khúc cua chữ U bên dưới chứ thật ra cũng không khác gì mấy những rừng thông ở Đà Lạt cả.

Nhà của Pao: Chạy mãi đến xã Sủng Là, dọc hai bên đường là những cây hoa đào còn lất phất vài cánh hoa cũng đủ làm mình cảm thấy thật đẹp, chắc hẳn đi đúng dịp ngắm những cây đào khoe sắc cả con đường chắc sẽ tuyệt vời lắm. Tui mình ghé qua Nhà Của Pao – đây là một ngôi nhà truyền thống của dân tộc Mông được xây dựng cách dây 80 năm và được chọn là địa điểm đóng bộ phim “Nhà của Pao”. Những em bé đeo sẵn giỏ hoa chờ khách chụp ảnh nhưng vô cùng dễ thương và hiền lành, không hề có ý định xin hay vòi vĩnh tiền. Mình chụp ảnh, nói chuyện với các em biết rằng buổi sáng các em đến lớp, trưa về thì đi bẻ hoa để kết thành vòng do mùa mình đi không có hoa chỉ có vài hoa cải thôi nên các em đeo để cho khách mượn chụp ảnh (Tại đây nhớ thử qua bánh Tam giác mạch, được làm từ hạt hoa tam giác mạch, đặc sản Hà Giang đấy!)



Cột cờ Lũng Cú: Vượt hơn 100km đến được Đồng Văn thì trời hửng nắng, thấy tấm bảng chỉ đường lên cột cờ Lũng Cú vậy là quyết định lên thăm địa đầu tổ quốc luôn. Chỉ là 26km thôi nhưng mà cảm giác đó là 26km dài nhất cuộc đời vì đi hoài đi mãi không thấy tới nơi, đường đi chỉ có 2 chiếc xe của tụi mình thôi ngoài ra không thấy ai nữa… Lá cờ hiện nay ở Lũng Cú là lá cờ mới được thay gần nhất, to lắm, may mắn có thể chạm tay vào lá cờ này, nhưng mà cũng nguy hiểm lắm vì sức gió rất mạnh…


Đồng Văn: Phố cổ Đồng ăn nằm tại trung tâm thị trấn Đồng Văn, mặc dù không có quy mô lớn như phố cổ Hà Nội hay Hội An nhưng nơi đây vẫn mang những bản sắc riêng. Tụi mình đã tìm phòng và check-in ở ngay tại thị trấn Đồng Văn trong 5 phút trên Agoda may sao phòng mới tinh tươm, đầy đủ tiện nghi lắm.


Khách sạn Khải Hoàn – Đường 3/2 thị trấn Đồng Văn.


Do tụi mình đi ngẫu hứng, không muốn book trước nên đi tới đâu sẽ lên Agoda hay Booking kiểm tra phòng rồi lại thanh toán và ở luôn cho tiện. Nếu các bạn có kế hoạch trước thì có thể chủ động book phòng trước cho an toàn nha.



Cung 2: Đồng Văn - Dinh thự vua Mèo - Mã Pí Lèng - Mèo Vạc


Dinh thự vua Mèo: Hay còn gọi Dinh thự họ Vương, đây là biệt phủ của gia đình nhà họ Vương, một dòng họ vô cùng mạnh tại Hà Giang. Dinh thự ban đầu được cụ Vương Chính Đức xây dựng lên, cụ là chi huyện cuối cùng của Hà Giang, sau này với sự sụp đổ của triều đình phong kiến thì cụ được người dân ở đây tôn làm Vua Mèo. Dinh thự họ Vương mang những độc đáo của nét kiến trúc kết hợp giữa nhà sàn miền núi phía Bắc, những hoa văn trạm trổ của kiến trúc Trung Quốc, đặc biệt lại có lò sưởi và cửa sổ của nét kiến trúc phương Tây.

Đèo Mã Pí Lèng: Lái xe trên đèo Mã Pí Lèng là một cảm giác không thể so sánh được với việc lái xe ở bất cứ một nơi nào khác. Hẳn không phải tình cờ mà con đường trên đèo mang tên là Hạnh Phúc. Thời tiết hơi mưa, nhưng không làm tụi mình vơi đi sự phấn khích, khi cảnh sắc dần hiện ra ngày một tráng lệ. Được kể rằng Mã Pí Lèng nghĩa là Sống mũi con ngựa theo tiếng Hán. Nhưng trong tiếng Mông thì chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh thì dốc đến mức tắt thở. Càng ngắm nhìn vẻ đẹp của con đèo, càng biết ơn công sức hàng vạn thanh niên xung phong của 16 dân tộc ngày ấy đã cùng hợp sức lại xây nên con đường này.


Từ mỗi điểm khác trên con đèo, dòng sông Nho Quế lại hiện ra với một dáng vẻ khác nhau. Lúc thì uốn lượn như một dòng sông ẩn hiện trong mây, khi lại xanh thẳm trầm lặng dưới những hẻm vực dốc đứng. Những hình ảnh ấy về Nho Quế đưa lại cho mỗi người một cảm xúc khác nhau, nhưng tất cả đều hòa quyện nên một vẻ riêng biệt và ấn tượng về cảnh sắc Hà Giang trong lòng mọi người. Tiếc là không đủ thời gian để thử cảm giác đi thuyền trên song Nho Quế này (nhưng có lí do đây quay lại rồi đó).


Qua 20 km đèo Mã Pí Lèng thì sẽ đến Mèo Vạc. Nghe bảo đứng từ Mèo Vạc phóng tầm mắt xuống sẽ thấy thị trấn nhỏ yên bình được bao bọc bởi bốn về là núi. Từ Mèo Vạc đi tiếp có thể đến Khau Vai nơi nổi tiếng với những vườn đá hùng vĩ và khác lạ, hoặc rẽ sang Mậu Duệ – Du Già để về lại thành phố… Tất cả đều hẹn lần sau mình sẽ khám phá tiếp nhé!

Ăn gì ở Đồng Văn

Dặn lòng mình là người không sành về ăn uống, ăn gì cũng thấy ngon nên sẽ không nhận xét nhiều về các món ăn ở đây. Chỉ là đi đến một vùng rất mới, không muốn bỏ qua những món ăn đặc trưng nơi này, nên là mọi người nhớ thử qua:

Bánh cuốn Đồng Văn Thịt trâu gác bếp Cháo ấu tẩu Thắng Dền Xôi ngũ sắc ...


Nếu ai đó hỏi mình về Hà Giang, mình sẽ kể về những con đường, những ngọn núi, những dòng sông tuyệt đẹp và những nụ cười thân thiện nhất mà mình đã từng thấy. Và cả những kỉ niệm tuổi trẻ cùng những người anh người chị nơi này.


Một trong những cảm giác đặc biệt nhất đối với mình ở Hà Giang chính là cảm giác được đứng từ trên cao nhìn lại những con đường mình đã đi qua, hoặc nhìn thấy những con đường mà mình sẽ đi đến. Không một vùng đất nào có thể cho mình cảm giác đấy nhiều như Hà Giang…


5 views0 comments

Comments


Post: Blog2_Post

Follow

  • Facebook
  • Instagram

©copyright 2020 by La Duyen. 

bottom of page